Sarkozy – cựu tổng thống vướng nhiều bê bối của Pháp


Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu tại một sự kiện ở Paris năm 2016. Ảnh: AFP.

Nicolas Sarkozy sinh ra tại Paris năm 1955, trong một gia đình có bố là người Hungary, mẹ là người Pháp. Không giống hầu hết quan chức trong giới cầm quyền Pháp, ông Sarkozy không qua trường Hành chính Quốc gia mà học luật tại Đại học Paris Nanterre, theo BBC.

Được ghi nhận là người có tài hùng biện, Sarkozy bắt đầu thăng tiến trong sự nghiệp chính trị khi trở thành thị trưởng Neuilly-sur-Seine, một vùng ngoại ô giàu có của Paris vào năm 1983. Sarkozy từng giữ các chức bộ trưởng ngân sách, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng tài chính trước khi đắc cử tổng thống Pháp năm 2007. Trong nhiệm kỳ 5 năm sau đó, ông thường xuyên vướng vào những bê bối và thị phi của dư luận.

Những người chỉ trích đặt cho Sarkozy biệt danh là “lấp lánh”, coi phong cách của ông là quá khoa trương, giống như người nổi tiếng trong giới giải trí hơn là một chính trị gia. Không giống những người tiền nhiệm, Sarkozy thường chiếm vị trí nổi bật trên những tờ báo lá cải. Ông đi nghỉ đi trên du thuyền của những người bạn giàu có, tiệc tùng tại một số nhà hàng sang trọng nhất của Pháp và có sở thích dùng những chiếc đồng hồ xa xỉ.

Ông nhiều lần gây tranh cãi về các phát ngôn của mình. Tại một sự kiện về nông nghiệp năm 2008, Sarkozy đã tức giận nói với một người đàn ông từ chối bắt tay mình rằng: “Cút đi, thằng khốn”. Ông còn từng so sánh nhà báo với những kẻ ấu dâm và gọi các thanh niên ở ngoại ô Paris là “lũ tiện dân”.

Hình ảnh “người nổi tiếng trong giới giải trí” của ông càng được củng cố bởi cuộc hôn nhân với siêu mẫu và ca sĩ Carla Bruni năm 2008. Trước đó, ông đã ly dị hai lần và có ba con với các vợ cũ.

Tháng 10/2009, Sarkozy bị cáo buộc là “gia đình trị” vì đã giúp con trai mình, Jean Sarkozy, trong nỗ lực trở thành người đứng đầu cơ quan điều hành quận thương mại lớn nhất nước Pháp.

Ngày 3/7/2012, chỉ hai tháng sau khi Sarkozy kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, cảnh sát Pháp khám nhà và văn phòng của ông để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận tài trợ bất hợp pháp từ nữ tỷ phú Liliane Bettencourt, người phụ nữ giàu nhất nước Pháp. Sarkozy bác bỏ cáo buộc này.

Năm 2014, Sarkozy bị cảnh sát thẩm vấn về cáo buộc ông hứa hẹn cho thẩm phán cấp cao Gilbert Azibert ngồi vào một vị trí danh giá ở Monaco để đổi lấy thông tin về cuộc điều tra cáo buộc tài trợ chiến dịch bất hợp pháp. Đây được cho là lần đầu tiên một cựu tổng thống Pháp bị cảnh sát giữ.

Sarkozy sau đó bị điều tra với các cáo buộc tham nhũng, lạm dụng ảnh hưởng và thu thập thông tin bằng cách sai trái. Cựu tổng thống Pháp tuyên bố không làm gì sai trái và cho rằng mình là nạn nhân của âm mưu chính trị. Tuy Sarkozy không bị truy tố hay phải ra tòa trong cuộc điều tra, đây được coi là đòn giáng chấm dứt nỗ lực tái tranh cử tổng thống năm 2017 của ông.

Ngày 20/3, cựu tổng thống bị giữ tại đồn cảnh sát để thẩm vấn liên quan cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận 60 triệu USD hỗ trợ tài chính từ nhà lãnh đạo Libya khi đó là Muammar Gaddafi. Ông Sarkozy nhiều lần bác bỏ, gọi đây là những cáo buộc “nực cười”.

Luật pháp Pháp quy định số tiền quyên góp tối đa cho một ứng viên tổng thống là 7.500 euro (khoảng 9.200 USD). Số tiền 60 triệu USD có thể đã “được rửa” thông qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ. Saif al-Islam Gaddafi, con trai Gaddafi, từng tuyên bố Libya đã tài trợ cho ông Sarkozy tranh cử. Saif al-Islam hiện bị giam tại Libya, sau khi ông Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011.

Tuy có nhiều bê bối, Sarkozy cũng được ghi nhận về một số thành tựu trong nhiệm kỳ của mình. Ông đã đi đầu trong phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và đã giúp tổ chức các hội nghị thượng đỉnh G20 với sự có mặt của các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong nước, ông thực hiện những cải cách không được nhiều người hoan nghênh nhưng có hiệu quả như tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62, cải tổ các trường đại học và thay đổi hệ thống thuế để khuyến khích lao động làm thêm giờ.

Trên trường quốc tế, Sarkozy thường được mô tả là thân Mỹ, mặc dù ông phản đối cuộc chiến ở Iraq. Ông ủng hộ nhiệt tình chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 và Pháp cũng là nước đầu tiên đưa chiến đấu cơ không kích Libya. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ động cơ thực sự của Sarkozy trong chiến dịch này, cho rằng ông chỉ muốn xây dựng hình ảnh trong nước, tăng cường vị thế của Pháp ở châu Phi và ngăn chặn Gaddafi thiết lập đồng tiền thay thế đồng franc ở khu vực.

Phương Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *