Trước ngày diễn ra lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), hàng chục công nhân, TNXP và dân quân địa phương tất bật công tác chuẩn bị tại mộ phần cũng như khu vực đón linh cữu ông về.
Nơi an táng theo nguyện vọng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nằm trong khuôn viên nhà riêng của ông, có rất nhiều hoa lan. “Chúng tôi bắt đầu trang trí từ trưa, dự kiến chiều tối nay sẽ hoàn thành”, một công nhân cho biết.
Nguyên Thủ tướng sẽ an nghỉ cạnh mộ phần người vợ quá cố – bà Sáu. Xung quanh được phủ những nhánh hoa lan – loài hoa bà thích nhất.
Người thân cho biết, khi bà Sáu mất (năm 2012), phần mộ của nguyên Thủ tướng cũng được xây trọn vẹn, chuẩn bị cho ngày hai ông bà nằm cạnh nhau.
Quanh khu mộ rợp bóng mát và hương thơm của nhiều loài hoa, cây ăn trái.
Theo các bậc cao niên trong xã, dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho địa phương rõ nét nhất là ở đình Tân Thông – nơi ông trùng tu khang trang như ngày nay.
Ngôi đình nằm cách nhà ông Sáu Khải chỉ gần 200 m, nổi bật với màu sơn vàng cổ điển và những phù điêu gỗ chạm khắc tinh xảo.
“Hồi năm 2010, sau khi trùng tu, ông Sáu Khải đã viết hai câu đối lên bức phù điêu giữa sân đình ‘Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ/Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già'”, ông Nguyễn Văn Hưng (76 tuổi), trông giữ đình suốt 43 năm, kể.
Ông Hưng cho biết, đình làng đang lưu giữ hàng trăm tấm ảnh kỷ niệm về nguyên Thủ tướng và các hội viên trong đình. “Ông Sáu Khải là người rất giản dị, thương người, không bao giờ phô trương trước bất kỳ ai. Trong mắt chúng tôi, ông là một người trên cả tuyệt vời”, ông Hưng chia sẻ.
Ảnh chụp năm 2000, thời ông Sáu Khải làm Thủ tướng, về thăm đình. “Khi đó nơi này còn nhỏ, xuống cấp lắm. Đến năm 2006, khi ông đã về hưu, sống trong ngôi nhà cạnh đình và đích thân chủ trì việc trùng tu ngôi đình cổ 248 tuổi này”, ông Hưng kể và cho biết quá trình sửa chữa đình kéo dài từ giữa năm 2009 đến tháng 7/2010.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm ngôi đình khi đã được tu sửa.
“Đây là chỗ ngồi hàng ngày của ông Sáu Khải. Lúc ông ấy còn khỏe, 7-11h hằng ngày lại đến đây, vừa hút thuốc vừa uống cà phê và đàm đạo với các cụ cao niên trong đình về đủ thứ chuyện. Ông nói chuyện vui lắm, không bao giờ khen chê nên ai cũng mê”, ông Hưng kể.
Những cây dầu được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đem từ Tây Ninh về trồng giờ đã hơn 20 tuổi, tỏa bóng mát khắp đình làng.
7h30 sáng mai 22/3, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, theo nghi thức Quốc tang. Sau đó linh cữu ông được đưa về an táng tại nhà riêng.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời lúc 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà. Ông được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là người lãnh đạo có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. Ông cũng là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) ký chính thức năm 2001; là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ, gặp Tổng thống Bush năm 2005 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Mỹ.
Thành Nguyễn